Trong 2 phần trước các bạn đã được tìm hiểu về chụp cận cảnh, chụp cực gần (macro), thấu kính cận và ống nối. Trong phần này mình xin giới thiệu với các bạn phương pháp chụp macro bằng kỹ thuật đảo đầu ống kính (reverse lens).
Nếu bạn đang có trong tay một chiếc máy ảnh với ống kính tiêu chuẩn (ống 18-55mm) hoặc một ống kính tiêu cự cố định 50mm thì đảo đầu ống kính (reverse lens) sẽ là phương pháp ít tốn kém nhất để chụp ảnh cận cảnh.
Kỹ thuật đảo đầu ống kính là việc bạn để cho phần ống kính phía trước quay ngược lại gắn vào thân máy, còn phần vốn gắn vào thân máy lại được quay ra ngoài. Để có thể gắn ngược như vậy, bạn cần có một bộ chuyển (adapter) hoặc vòng nối (reversing ring). Ngoài khả năng gắn ngược ống kính vào thân máy, bạn còn có thể gắn ngược ống kính vào ống kính (kéo dài ống kính) để tăng độ phóng đại vật thể.
Nghe có vẻ khá lạ lẫm nhưng kỹ thuật đảo đầu ống kính thực sự hiệu quả. Hình minh họa ở trên cho chúng ta thấy khi sử dụng ống 50mm chụp người mẫu, do ống kính thu nhận ánh sáng ở khoảng cách khá xa nên hình ảnh thu về trên cảm biến hoặc trên phim nhỏ hơn người thật. Khi đảo đầu ống kính, hình ảnh sẽ được phóng đại cho ta kích thước gần nhất với chủ thể.
Có 2 cách thực hiện kỹ thuật đảo đầu ống kính:
Cách 1: đảo một ống kính
Bạn dùng vòng nối (reversing ring) để gắn ống kính đảo đầu với thân máy. Một đầu vòng nối vặn vào ống kính giống như gắn kính lọc, đầu kia có ngàm gắn với thân máy. Bạn có thể tìm mua các vòng nối này trên Amazon và eBay với giá khá rẻ. Ở Việt Nam có nhiều người đã tự chế được vòng nối.
Kỹ thuật này sẽ hiệu quả nếu máy ảnh của bạn sử dụng ống kính có vòng điều chỉnh khẩu độ bằng tay. Độ sâu của trường ảnh (DoF) sẽ giảm khi bạn ngắm vào gần vật thể, cộng với sự phóng đại khi đổi đầu ống kính. Lúc này bạn cần phải giảm khẩu độ để mở rộng vùng nét của tấm ảnh.
Nếu ống kính của bạn không có vòng điều chỉnh khẩu độ, bạn sẽ không thể giảm khẩu mà phải chấp nhận chụp ở độ mở tối đa. Tuy nhiên đừng vội nản chí, nếu kiên nhẫn và có một chút năng khiếu, bạn sẽ vẫn chụp được những tấm hình đẹp với khẩu độ tối đa.
Cách 2: Nối 2 ống kính
Bạn dùng loại vòng nối như hình minh họa ở trên để nối một ống kính đã đảo đầu với một ống kính khác đang gắn trên máy. Lúc này bạn có một tổ hợp ống kính nối dài trong đó ống kính đảo đầu đóng vai trò như một thấu kính cận "đầy sức mạnh". (về thấu kính cận bạn có thể tham khảo tại bài hướng dẫn phần I).
Bạn hãy hình dung một thấu kính cận "xịn" có số diopter là +10. Nếu dùng ống 50mm đảo đầu sẽ cho số diopter là +20. Còn nếu đảo đầu ống 20mm thì số diopter sẽ lên đến +41,6. Số diopter càng lớn thì càng chụp được gần. Những con số trên đã cho bạn thấy sức mạnh của ống kính đảo đầu.
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ ống kính nào làm ống chính gắn vào máy, ống còn lại sẽ được đảo đầu. Lưu ý là bạn phải lựa chọn đường kính các ống tương đương nhau hoặc chỉ lệch nhau chút ít để thuận tiện cho việc ghép nối. Bạn có thể sử dụng vòng nối cặp (coupling ring) để nối hai ống đường kính bằng nhau, hoặc vòng nối phi đối xứng (stepping ring) để nối hai ống có đường kính lệch nhau.
Lợi thế của việc dùng hai ống kính là dù ống đảo đầu có bị đặt ở độ mở tối đa thì cũng không sao. Bạn vẫn có thể điều chỉnh khẩu độ ở trên ống chính để tăng độ nét của tấm ảnh. Tùy thuộc vào loại ống kính mà bạn sử dụng, bạn có thể đạt được mức phóng đại vật thể lên gấp 3 lần so với thực tế. Mức phóng đại này tương đương với những ống macro "xịn".
Bảo vệ ống đảo đầu
Kỹ thuật đảo ống kính khiến cho phần thấu kính và các chân điện tử vốn gắn với thân máy bị đưa ra ngoài. Khi chụp cũng như khi mang vác bạn cần phải tránh va đập gây xước cho các bộ phận nói trên. Nếu bạn có một ống nối (đã đề cập ở bài hướng dẫn phần II), bạn có thể lắp vào ống đảo đầu. Lúc này ống nối đóng vai trò bảo vệ cho ống đảo.
Độ sắc nét của ảnh
Khi chụp đảo ống kính bạn sẽ tiếp cận được vật thể ở một khoảng cách cực gần, nếu chụp cầm tay sẽ khó tránh khỏi bị rung. Bạn cần phải sử dụng chân máy để giữ cho camera đứng yên, và một dây bấm kéo dài để có thể bấm máy từ xa.
Kỹ thuật chụp này phát huy hiệu quả cao nhất khi chụp trong nhà, đặc biệt khi chụp hoa. Bởi vì nếu chụp ngoài trời, chỉ một cơn gió nhẹ cũng khiến cành hoa lay động và làm tấm ảnh mất nét.
Đối với kỹ thuật đảo đầu ống, khi sử dụng hai ống kính để chụp macro với ống chính mở khẩu tối đa, ảnh sẽ bị nhòe. Để đạt được độ sắc nét tối đa, bạn cần giảm khẩu độ của ống chính xuống khoảng f.4.
Ánh sáng
Bạn có thể lợi dụng ánh sáng tự nhiên để chụp vật thể. Nếu ánh sáng không đủ, bạn có thể sử dụng thêm đèn flash. Không cần phải có loại đèn flash chuyên biệt cho chụp macro. Bạn chỉ cần dùng softbox (tạm dịch là đèn hộp – thiết bị này là một cái hộp vải màu đen bao quanh đèn flash hoặc đèn dây tóc, với một tấm hắt sáng mầu trắng, vàng hoặc bạc ở phía trước). Softbox sẽ giúp loại bỏ những đốm sáng chói ra khỏi ánh sáng tự nhiên và làm mềm ánh sáng trong ảnh.
Trong phần tiếp theo cũng là phần cuối của loạt bài hướng dẫn chụp cận cảnh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ống kính macro. Mời các bạn đón xem trên kenhchisedohoa
Bài liên quan:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét