Chụp vật thể ở cự ly gần là một chủ đề yêu thích của nhiều người cầm máy. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được tinh thần và phương pháp chụp ảnh cận. Đây là bài đầu tiên trong số 4 bài hướng dẫn về chụp ảnh cận cảnh (close-up) và chụp cực gần (macro) mà mình sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn qua loạt bài của trang Digital Photography School.
Chụp cận cảnh và chụp macro dường như hơi phức tạp và đáng ngại nếu bạn không biết nhiều về các kỹ thuật chụp cũng như các thiết bị chuyên dụng. Nhưng thật may là chụp cận cảnh tương đối dễ học và máy móc chuyên dụng cũng không đắt đỏ. Bạn chỉ cần có một người hướng dẫn cách sử dụng máy ảnh và cách chụp đối tượng ở cự ly gần.
Trên thị trường, các ống kính macro có giá thành khá đắt, rất ít người có đủ khả năng tài chính để mua. Vì thế tác giả bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một số cách thức chụp ảnh cận cảnh và chụp macro với chi phí thấp. Nhưng trước tiên hãy cùng tìm hiểu thế nào là chụp cận cảnh, thế nào là chụp macro.
Chụp macro (chụp cực gần)
Là thể loại ảnh mà vật thể ở ngoài đời nhỏ hơn nhiều hoặc bằng kích thước vật thể trên ảnh. Nói một cách khác, vật thể trên ảnh được phóng đại từ tỷ lệ 1:1 tới 25:1 so với vật thật. Để có kích thước phóng đại như vậy, bạn cần phải có một ống kính macro. Nhưng nếu máy ảnh của bạn chỉ lắp ống kính thông thường, bạn vẫn có thể chụp macro bằng cách mua extension tubes và reversed lens. (Hai thiết bị này sẽ được giới thiệu cụ thể ở bài hướng dẫn số 2).
Chụp close-up (chụp cận cảnh)
Theo định nghĩa của tôi, chụp cận cảnh là kiểu chụp mà bạn lắp thiết bị phụ trợ để ống kính máy ảnh của bạn có thể chụp được vật thể ở cự ly gần hơn. Tất nhiên là cự ly này sẽ không thể gần bằng chụp macro.
Chụp cận cảnh là thể loại mà bạn có thể tạo ra được nhiều bức ảnh đẹp nhất so với các thể loại chụp khác. Bạn có thể chụp hoa, chụp chân dung và các vật thể. Cự ly gần của cận cảnh cho phép bạn tạo ra những bức ảnh gây ấn tượng mạnh, nhưng không quá gần để khiến bạn gặp phải những vấn đề về "độ sâu của trường ảnh" (DOF – những người chụp ảnh Việt Nam thường gọi là "đóp" hay "đốp").
Thiết bị phụ trợ mà tôi hay dùng để chụp ảnh cận cảnh là thấu kính cận (close-up lens)(hình minh họa ở trên). Thấu kính cận nhìn giống kính lọc ánh sáng (filter) của máy ảnh. Nó được lắp vào ống kính bằng cách xoay và vặn chặt. Bạn cũng có thể gọi thấu kính cận là một kính lọc cận hoặc kính lọc phụ.
Thấu kính cận giúp thu hẹp khoảng cách mà ống kính của bạn hướng vào vật thể, giúp bạn chụp được vật thể gần hơn với độ phóng đại lớn hơn ống kính thường.
Có 2 loại thấu kính cận:
Thấu kính cận đơn
Đôi khi bạn có thể mua được thiết bị này với giá rất rẻ ở các cửa hàng máy ảnh hoặc trên Amazon và eBay. Họ có thể bán theo bộ, vì thế bạn có thể lắp nhiều thấu kính để tăng độ phóng đại.
Thấu kính cận đơn được cấu tạo bởi một thấu kính quang học nên giá thành của nó không cao, phù hợp với những người túi tiền eo hẹp. Đương nhiên, chất lượng hình ảnh sẽ không hoàn mỹ. Nó thiếu độ sắc nét và lệch màu. Điều này càng rõ rệt hơn nếu chụp với khẩu độ lớn.
Thấu kính cận đôi
Được cấu tạo bởi 2 thấu kính, thấu kính thứ hai khắc phục những sai lệch ở thấu kính thứ nhất. Vì thế nó cho ra những bức ảnh chất lượng xuất sắc. Thấu kính Canon 500D ở hình minh họa phía trên chính là một thấu kính cận đôi.
Nhược điểm của thấu kính cận đôi chính là giá thành cao và không có sẵn hàng. Canon là hãng duy nhất chế tạo thấu kính cận đôi. Nhiều khi bạn không thể mua trực tiếp thấu kính 250D và 500D ở cửa hàng, mà bạn phải đặt hàng bên Nhật và chờ một thời gian.
Cũng giống như kính lọc, thấu kính cận có thể lắp vào máy ảnh của bất cứ hãng nào. Chỉ cần bạn mua đúng kích cỡ với ống kính máy ảnh là lắp được.
Hãng Nikon cũng đã từng sản xuất thấu kính cận, nhưng bây giờ họ đã ngừng sản xuất. Bạn chỉ có thể mua các thấu kính của Nikon ở dạng second-hand. Trong khi đó, hãng Raynox thậm chí còn sản xuất ra thấu kính cận 3 lớp. Thấu kính này đi kèm với một ngàm giữ (snap-on mount). Vặn thấu kính vào trong ngàm, rồi gắn ngàm với ống kính từ 52 – 67mm. Thấu kính của Raynox có giá thành khá dễ chịu trong khi cho ra chất lượng hình ảnh tương đối tốt.
Sử dụng thấu kính cận
Vận hành thấu kính cận rất dễ. Bạn chỉ việc vặn chặt vào phía trước ống kính máy ảnh là có thể sử dụng được. Lúc này máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh độ phơi sáng và lấy nét.
Để đạt được độ phóng đại tối đa, bạn hãy thực hiện lấy nét bằng tay. Điều chỉnh ống kính để thu hẹp khoảng cách lấy nét. Di chuyển máy ảnh vào gần vật thể cho đến khi vật thể nằm trong vùng rõ nét của ảnh.
Các thấu kính cận sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu sử dụng chung với ống kính tele. Khoảng cách ngắm (tiêu cự) càng xa thì độ phóng đại càng lớn.
Tôi thường sử dụng thấu kính cận để chụp ảnh theo các chủ đề:
+ Chân dung: ở tấm ảnh trên, tác giả đã lắp thấu kính cận vào ống tele 85mm. Điều này giúp tôi zoom được vào gần khuôn mặt trong khi đứng ở một khoảng cách đủ xa để người mẫu không cảm thấy lúng túng.
+ Chụp hoa: Các loài hoa khi chụp cận cảnh trông rất tuyệt. Hình minh họa trên là loài hoa lan tím mà tác giả đã chụp ở Vườn Mùa đông ở Auckland, New Zealand.
+ Chụp vật thể: Khi bạn đi du lịch, chụp vật thể là cách thức hữu hiệu để bạn lưu giữ một phần kỷ niệm nơi bạn đã đi qua. Thấu kính cận giúp bạn tiếp cận gần hơn với những vật thể nhỏ bé mà đặc sắc.
Dùng thấu kính cận để chụp ảnh thực phẩm và đồ ăn cũng rất tuyệt.
Trong bài hướng dẫn số 2 chúng ta sẽ đề cập đến extension tubes. Tác giả sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng và cho lời khuyên về các loại extension tubes nên mua.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét